Asen (hay còn gọi là Thạch tín) là một nguyên tố hóa học có ký hiệu là As và có số nguyên tử là 33. Thạch tín là chất á kim, có màu xám bạc hay trắng như thiếc, có tính giòn. Ở trạng thái nguyên chất, thạch tín không độc, nhưng khi tồn tại ở dạng hợp chất, thạch tín cực kỳ độc. Asen luôn biến đổi do quá trình oxy hóa hoặc lẫn các tạp chất thạch tín oxy hóa. Asen có tác động rất lớn đối với sức khỏe của người nhiễm phải chúng
Asen phân loại như thế nào?
Có hai loại hợp chất asen:
- Asen hữu cơ: phần lớn asen hữu cơ nằm trong thực vật và mô thịt động vật. Asen hữu cơ thường vô hại đối với con người.
- Asen vô cơ: có thể tích tụ trong đất đá hoặc hòa tan vào nước. Asen vô cơ có độc tính cao, asen vô cơ chủ yếu xuất phát từ quá trình sản xuất công nghiệp.
Độc tính của hợp chất asen vô cơ cao gấp 4 lần thuỷ ngân. Thạch tín nguyên tố và các hợp chất của thạch tín được Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế và liên minh Châu Âu (EU) công nhận là các chất gây ung thư nhóm một. Thường được sử dụng làm thuốc trừ dịch sâu, thuốc diệt cỏ và trong sản xuất các hợp kim.
Nguồn gốc và sự phân bố Asen trong thiên nhiên
Asen trong thiên nhiên có thể tồn tại trong các thành phần môi trường đất, nước, không khí, sinh học… và có liên quan chặt chẽ tới các quá trình địa chất, địa hóa, sinh địa hóa. Các quá trình này sẽ làm cho Asen nguyên sinh có mặt trong một số thành tạo địa chất (các phân vị địa tầng, mangan, các biến đổi nhiệt dịch và quặng hóa sunphua chứa Asen) tiếp tục phân tán hay tập trung gây ô nhiễm môi trường sống.
Trên thế giới đã có nhiều nước nghiên cứu xác định được hàm lượng Asen trong đá và quặng, trong đất và vỏ phong hóa, trong nước, không khí… Ở Việt Nam, một số nhà khoa học Địa chất và Địa chất thủy văn đã nghiên cứu về sự tồn tại của Asen trong đá, quặng, đất và vỏ phong hóa cũng như trong trầm tích bở rời, trong nước biển, nước mưa, nước dưới đất…
Asen độc hại như thế nào đối với con người?
Asen là chất rất độc hại, có thể gây 19 loại bệnh khác nhau, trong đó có các bệnh nan y như ung thư da, phổi.
Asen ảnh hưởng đối với thực vật như một chất ngăn cản quá trình trao đổi chất, làm giảm năng suất cây trồng.
Sự nhiễm độc Asen được gọi là arsenicosis. Đó là một tai họa môi trường đối với sức khỏe con người. Những biểu hiện của bệnh nhiễm độc Asen là chứng sạm da (melanosis), dày biểu bì (kerarosis), từ đó dẫn đến hoại thư hay ung thư da, viêm răng, khớp…
Khi tiếp xúc ở mức độ thấp, arsen gây các chứng rối loạn về da, mạch máu và hệ thần kinh. Hiên tại trên thế giới chưa có phương pháp hữu hiệu chữa bệnh nhiễm độc Asen
Thực phẩm có khả năng nhiễm asen
Nước được lấy từ các giếng thuộc sở hữu tư nhân có thể chứa hàm lượng asen khá cao. Đặc biệt là ở những khu vực mà nước ngầm chảy qua các tầng đất giàu asen. Tuy nhiên, lại không có một chuẩn giới hạn nào dành cho nồng độ asen trong thực phẩm.
Asen vô cơ tồn tại trong đất rất thu hút các hợp chất lưu huỳnh trong cải, cùng với các loại rau họ cải khác, bao gồm cải xoăn, bông cải xanh, súp lơ. Theo các nhà nghiên cứu, hàm lượng asen ở những người thường ăn giá sống cao hơn 10,4% so với những người không ăn hoặc ăn ít hơn một lần một tháng.
Cá có thịt đen. Những người ăn nhiều cá thịt đen (cá ngừ, cá thu, cá hồi, cá mòi, cá kiếm) mỗi tuần một lần có hàm lượng asen vô cơ cao hơn 7,4% so với những người ăn ít hơn mỗi tháng một lần. Theo các nhà nghiên cứu tất cả các hải sản có asen cao.
Asen có thể tìm thấy trong ngũ cốc, trái cây và rau quả. Gạo là một loại hạt đặc biệt có khả năng hấp thụ asen rất dễ dàng từ môi trường. Một số hải sản cũng có khả năng chứa asen dưới dạng hữu cơ.
Một nghiên cứu vào năm 2010 cho thấy ăn rau có thể dẫn đến tỷ lệ nhiễm độc asen cao nhất với 24%. Trái cây và nước ép trái cây giữ hạng thứ 2 với 18%, và gạo chiếm thứ 3 với tỷ lệ 17%
Biểu hiện của nhiễm độc asen
Nhiễm độc cấp tính
Có triệu chứng giống như bệnh tả, xuất hiện rất nhanh, có thể là ngay sau khi ăn phải lượng asen lớn. Bệnh nhân nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy liên tục, khát nước dữ dội, mạch đập yếu, mặt nhợt nhạt rồi thâm tím, bí tiểu và tử vong sau 24 giờ.
Nhiễm độc mạn tính
Xảy ra do tích lũy liều lượng nhỏ asen trong thời gian dài và có các biểu hiện:
– Xuất hiện các mảng dày sừng: Trên lòng bàn tay bàn chân nổi lên các sẩn giống như mụn cơm, bé bằng hạt tấm rồi lớn dần bằng hạt đậu xanh hay hạt lạc, lan rộng thành mảng. Chúng thường mọc đối xứng hai bên, đôi khi xuất hiện cả ở lưng, bụng, đùi, cẳng chân, cánh tay. Da vùng này vàng, có thể có vết nứt nẻ.
– Tăng hoặc giảm sắc tố da: Các nốt đen thâm nhỏ (bằng phẳng hoặc nổi cao) có thể xuất hiện khắp nơi, nhất là vùng được che kín như ngực, bụng, cẳng chân. Ngoài ra, có thể xuất hiện các nốt nhỏ trắng, phẳng, ở bụng, lưng, ngực, ngang thắt lưng, cẳng tay cẳng chân. Giảm hoặc tăng sắc tố thường xuất hiện trong giai đoạn đầu.
– Tê buốt đầu ngón tay ngón chân: Là biểu hiện tắc mạnh đầu chi. Từ tê, bệnh nhân dần cảm thấy đau buốt. Do thiếu máu, các ngón có thể bị hoại tử.
– Các biểu hiện khác: bao gồm sạm da từng đám lan tỏa, rụng tóc nhiều, tê tay chân, rối loạn tiêu hóa, xơ gan, tăng huyết áp, nhiễm độc thai nghén, sinh con nhẹ cân, sẩy thai…
Đáng nói, đến nay chưa có một phương pháp điều trị nào có thể tẩy độc asen ra khỏi cơ thể. Những gì có thể làm khi phát hiện bệnh là ngừng dùng nước nhiễm asen để ăn uống và điều trị các triệu chứng. Chẳng hạn, với triệu chứng dày sừng, cần dùng thuốc tiêu sừng; hoặc điều trị các bệnh phát sinh khác… Do vậy, khi có những biểu hiện nghi ngờ, cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị.
VinaOrganic Tổng hợp
Nếu bạn đang cần dây chuyền máy thiết bị, chuyển giao công nghệ để sản xuất thực phẩm, sinh học, nông nghiệp... đừng ngần ngại, hãy liên hệ ngay với VinaOrganic để được tư vấn miễn phí theo thông tin bên dưới:
VINAORGANIC CO.,LTD
HCM: 86 Nguyễn Hữu Tiến, P. Tây Thạnh, Q. Tân Phú, TP.HCM
HN: 67 LK Lacasta, KĐT Văn Phú, P. Phú La, Q. Hà Đông, TP.Hà Nội
Hotline/Zalo: 0975.299798 - 0938.299798
Phản ánh dịch vụ: 0936.224798
Email: Lienhe@VinaOrganic.com
Youtube: youtube.com/@VinaOrganic
Tiktok: tiktok.com/@vinaorganic
Để lại một bình luận